Một trong những tham vọng của Roman Abramovich là xây lại cho Chelsea một sân đấu tầm cỡ nhưng kế hoạch này đứng trước nguy cơ không thể thành hiện thực.
Đầu năm 2018, người hâm mộ Chelsea phấn khích trước thiết kế sân Stamford Bridge mới, được xây dựng lại trên nền cũ, đã nhận được giấy phép xây dựng. Sân mới sẽ có sức chứa 60.000 chỗ ngồi, thay vì 41.800 như hiện tại. Nhưng đến cuối tháng 5, The Blues tuyên bố kế hoạch buộc phải hoãn vì "môi trường đầu tư hiện tại không thuận lợi".
Cho đến nay, giấy phép xây dựng đã hết hạn được 10 tháng nhưng Chelsea vẫn chưa hề có động thái xúc tiến lại. Theo tính toán, chi phí dự kiến để xây lại sân Stamford Bridge, bao gồm cả tiền thuê Wembley 3 năm làm sân nhà trong khoảng thời gian xây, đã bị độn lên từ 1,4 tỷ thành 2,2 tỷ bảng.
Đây là con số quá lớn trong bối cảnh ông chủ Abramovich đã thông báo rao bán đội bóng. Một vài phương án khác đã được tính đến như thuê một SVĐ thay thế bé hơn nhưng không thể tìm ra nổi một sân đấu tối ưu hóa lợi nhuận hơn Wembley ở Tây London.
Còn có ý kiến cho rằng không nên xây mới mà chỉ cải tạo lại khán đài Stamford Bridge. Tuy nhiên, với một công trình có lần tu sửa gần nhất đã cách đây gần 30 năm, kiến trúc nền của Stamford Bridge không cho phép. Bên cạnh đó, nhiều đường tàu hỏa và đường phố chính cũng gây cản trở.
Xây sân mới hoặc mở rộng khán đài là phương án được nhiều đội bóng thực hiện để tăng thêm nguồn thu. Chelsea hiện là đội có sân đấu bé nhất trong số các đại gia nước Anh. Kỷ lục doanh thu bán vé của The Blues chỉ là 96 triệu bảng trong mùa 2011/12. Còn hiện tại, con số đó rơi vào khoảng 70-80 triệu bảng, phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Old Trafford với sức chứa 75.000 chỗ mang về cho Man United doanh số bán vé lên tới 147 triệu bảng năm 2017. Sân Emirates 60.000 chỗ cũng giúp Arsenal thu về 120 triệu bảng. Riêng tại London, sân nhà của Tottenham và West Ham cũng to hơn Chelsea.
Theo: Bongdaplus