Tối thứ Năm (14/9), BTC La Liga vừa công bố hạn mức lương mùa này cho các đội ở hạng đấu cao nhất Tây Ban Nha. Và trong khi Real Madrid tăng nhẹ, thì trần lương của Barca giảm... sập sàn. Sự tương phản ấy đã khiến tất cả đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Hạn mức lương là gì?
Thuật ngữ chính xác mà BTC La Liga sử dụng là “Límites de Coste de Plantilla Deportiva” (LCPD), hay hạn mức chi phí cho đội thể thao. Đó là số tiền tối đa mà một đội bóng được phép chi để trả lương cho các cầu thủ, HLV, trợ lý HLV, chuyên gia thể lực của đội một, cũng như các đội dự bị và đội trẻ. Còn hiểu một cách đơn giản, LCPD là trần lương dành cho từng đội bóng.
Riêng với đội một, khái niệm này rộng hơn nhiều. Ngoài khoản lương cố định của các cầu thủ, hàng loạt chi phí khác cũng được tính đến. Từ phụ cấp nhà cửa, xe cộ, du lịch; thù lao bản quyền hình ảnh; khấu hao trung bình từng năm của các hợp đồng mới; tiền bảo hiểm xã hội; phí bồi thường hợp đồng; tiền thưởng danh hiệu cho đến phí môi giới.
Mức LCPD được tính dựa trên sự cân đối giữa doanh thu, chi phí và và số nợ mà từng đội phải thanh toán theo kỳ hạn trong mùa giải. Định mức này đảm bảo các đội bóng tuân thủ quy tắc kiểm soát tài chính. Và thông báo mới nhất của BTC La Liga có lẽ đang khiến Barca “hóa đá”.
Vì trần lương của họ đã bị đánh tụt từ 648,82 triệu euro mùa trước xuống còn... 270 triệu euro mùa này. Trước đó vài ngày, Barca vẫn còn vui mừng vì kỳ tích giảm hơn 300 triệu euro quỹ lương của riêng đội một, từ 708 triệu euro xuống còn 404 triệu euro. Vậy mà hiện giờ, người Catalunya bỗng thấy mọi nỗ lực của mình trở thành vô nghĩa.
Đó gần như là tình cảnh chung của 8 đội có trần lương cao nhất La Liga mùa này. Tuy nhiên, những Atletico, Sevilla, Villarreal hay Sociedad chỉ giảm nhẹ. Và dù đã chi hơn 100 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng Hè vừa rồi, trần lương của Real Madrid thậm chí còn... tăng từ 683,46 triệu euro lên 727,45 triệu euro.
Vì sao trần lương của Barca giảm sập sàn?
Vậy tại sao trần lương của Barca lại bị đánh tụt tới gần 60% so với mùa giải trước? Nhất là khi họ đang là nhà vô địch La Liga và Siêu Cúp Tây Ban Nha, vẫn góp mặt ở Champions League và doanh thu của đội chủ sân Camp Nou cũng tăng từ 582,1 triệu euro mùa 2020/21 lên 638,2 triệu euro mùa trước, theo báo cáo Football Money League của hãng kiểm toán Deloitte.
Sự khác biệt nằm ở thứ mà chủ tịch Joan Laporta gọi là “đòn bẩy kinh tế”. Mùa trước, Barca đã kích hoạt 4 “đòn bẩy kinh tế”, thực chất là bán bớt tài sản CLB để thu về 700 triệu euro. Khoản tiền này được tính là doanh thu trực tiếp, và nó giúp quỹ lương của họ đạt mức 648,82 triệu euro.
Nhưng sau khi bị qua mặt mùa trước, giờ BTC La Liga đã không còn công nhận trò “lách luật” ấy nữa. Mùa này, Barca cũng phải chia sẻ 100 triệu euro doanh thu cho các nhà đầu tư vào dự án trùng tu sân Camp Nou. Đã vậy, họ còn đang bị tập đoàn đầu tư Libero Football Finance khất 40 triệu euro tiền mua công ty Barca Studios.
Mất "đòn bầy kinh tế", Barca còn phải chia sẻ 100 triệu euro từ doanh thu cho các nhà đầu tư trùng tu sân Camp Nou.
Kết quả là từ báo cáo tài chính cực đẹp mùa trước, Barca lại rơi vào cảnh giật gấu vá vai. Cả kỳ chuyển nhượng mùa Hè, họ đem về 5 tân binh thì 4 trong số đó là những sự bổ sung miễn phí (Ilkay Gundogan, Inigo Martinez) hoặc mượn (Joao Felix, Joao Cancelo). Bản hợp đồng mất tiền duy nhất với Oriol Romeu, thực chất cũng chỉ khiến người Catalunya tốn có 3,4 triệu euro.
Liều doping 700 triệu euro từ 4 “đòn bẩy kinh tế” mùa trước thực chất cũng chỉ giúp Barca dễ thở hơn, chứ chưa thể giúp họ tẩy trắng sổ sách. Vì như tuyên bố của Tổng giám đốc Javier Gomez của BTC La Liga: “Con số thua lỗ của những năm trước đó vẫn được tính vào hạn mức lương”. Và việc trần lương mùa này của Real Madrid cao gấp 3 lần Barca, có thể diễn giải một cách nôm na là về mặt tài chính, họ mạnh gấp 3 đối thủ.
Barca sẽ không được phép làm gì?
Nhưng việc trần lương giảm sâu như vậy sẽ tạo ra những hạn chế gì cho Barca? Chủ tịch BTC La Liga, Javier Tebas đã an ủi đội chủ sân Camp Nou là: “Dù không đáp ứng được yêu cầu về hạn mức lương, Barca đã vô cùng cố gắng. Nỗ lực đó cần phải được ghi nhận”. Nhưng sau tuyên bố kiểu “mèo khóc chuột” này, vị quan chức từng thừa nhận mình là một Madridista vẫn khẳng định, Barca phải chơi theo luật.
Nếu không giải quyết được vấn đề, Barca sẽ không thể đón tân binh Vitor Roque trong tháng 1/2024.
Điều đó có nghĩa là với quỹ lương vượt trần như hiện tại, Barca sẽ không được mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông sắp tới. Vitor Roque, tiền đạo mà họ đạt thỏa thuận chiêu mộ từ Athletico Paranaense từ trước, cũng không thể đến Camp Nou trong tháng 1 như dự kiến. Điều may mắn duy nhất, có lẽ là việc Barca đã đạt thỏa thuận gia hạn và đăng ký hai tài năng trẻ Lamine Yamal và Alejandro Balde, trước khi bị áp trần lương mới.
Đâu là giải pháp cho người Catalunya?
Câu hỏi cuối cùng, và có lẽ cũng là mối quan tâm lớn nhất của các cule, là giờ CLB cần làm gì? Mục tiêu của Barca đương nhiên là đáp ứng quy tắc 1:1, mà hiểu một cách đơn giản là bạn chỉ được tiêu 1 đồng nếu tiết kiệm được 1 đồng. Vậy thì biện pháp duy nhất là giảm chi phí, tăng nguồn thu hoặc cả hai.
Ban lãnh đạo Barca đã xác định, bán cầu thủ là lựa chọn cuối cùng, một khi rơi vào thế chẳng đặng đừng. Vì thế, một mặt họ đang ráo riết đẩy nhanh những dự án hợp tác, các hợp đồng tài trợ và thỏa thuận kinh tế để gia tăng nguồn thu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là... đòi khoản 40 triệu euro mà tập đoàn đầu tư Libero đang nợ.
Barca đang thuyết phục De Jong gia hạn và... giảm lương như Ter Stegen.
Mặt khác, Barca đang thuyết phục Frenkie de Jong - một trong những cầu thủ nhận lương cao nhất đội - điều chỉnh lại thu nhập. Nói một cách dễ hiểu là anh sẽ gia hạn, đồng ý nhận mức lương thấp hơn trong vài năm đầu, rồi được “bù” lại trong những năm cuối của hợp đồng. Trước đó, họ từng thành công với thủ thành Marc-Andre ter Stegen. Nhưng với tiền vệ người Hà Lan, thì không ai dám chắc.