ĐT Đức đã phải hứng chịu thất bại đáng xấu hổ 1-4 trước Nhật Bản ở trận giao hữu ngay trên sân nhà. Mạch trận thảm họa tiếp tục kéo dài, và Die Mannschaft hiểu thời gian không còn nhiều với họ trong bối cảnh VCK EURO sẽ diễn ra vào Hè sang năm. Vậy vì đâu nên nỗi?
Rơi không thấy đáy
Lần gần nhất ĐT Đức biết đến chiến thắng là khi nào? Đó là ở trận giao hữu với Peru vào ngày 25/3, khi họ đánh bại đại diện của Nam Mỹ 2-0 nhờ cú đúp của tiền đạo Nicolas Fullkrug. Kể từ đó, Đức liên tục trải qua những thành tích tồi tệ. Die Mannschaft không thắng nổi trận nào, trong đó có đến 4 thất bại. Lần duy nhất đoàn quân của HLV Hansi Flick tránh được kết cục đau thương là trận hòa 3-3 với Ukraine hồi giữa tháng 6.
Đức thua Bỉ 2-3, bại dưới tay Ba Lan 0-1, gục ngã 0-2 trước Colombia và mới nhất là trận thua mất mặt 1-4 trước Nhật Bản - đối thủ từng gieo sầu cho họ tại vòng bảng World Cup 2022. Thực tế, những vấn đề của "Cỗ xe tăng" đã xuất hiện từ giải đấu ở Qatar, nơi họ sớm xách va li về nước với vị trí trí thứ 3 chung cuộc. Chính thất bại 1-2 trước Nhật Bản, như đã nói, ở trận ra quân đã đẩy Đức vào cửa tử. Họ hòa hú hồn Tây Ban Nha tại lượt trận thứ hai, trước khi thắng chật vật Costa Rica 4-2 ở lượt cuối.
Đức nhận thất bại ê chề trước Nhật Bản
Người hâm mộ đã mong chờ rằng sau những bài học đau đớn tại World Cup 2022, ĐT Đức sẽ trở lại mạnh mẽ dưới sự dẫn dắt của Flick. Thậm chí, vẫn có không ít ý kiến cho rằng việc Die Mannschaft bị loại sớm ở sân chơi số 1 hành tinh chỉ là một tai nạn, và đó là lý do vì sao cựu thuyền trưởng của Bayern tiếp tục được trao cơ hội, với mục tiêu tối thượng là giữ chiếc cúp vô địch EURO 2024 ở lại sân nhà.
Tuy nhiên, hóa ra đó chính là bộ mặt thật của ĐT Đức thay vì chỉ là một cú sảy chân thông thường. Kể từ đó, Die Mannschaft tiếp tục rơi tự do và không có dấu hiệu nào cho thấy sự hồi phục. Thất bại tan tác trước Nhật Bản ngay tại sân nhà như một kết quả tất yếu, gióng lên hồi chuông báo động lên cả bản thân các tuyển thủ lẫn HLV Flick. Sẽ là thiếu công bằng nếu đổ hết lỗi lầm lên vị chiến lược gia này.
Vấn đề nằm ở đâu?
Đầu tiên, hãy nhìn vào cách bài trí chiến thuật của Flick. Sau thất bại 2-3 trước Bỉ, nơi Flick cho ĐT Đức ra sân với sơ đồ 4-4-2, nhà cầm quân 58 tuổi bắt đầu thử nghiệm hệ thống 3 trung vệ ở 3 trận giao hữu kế tiếp, và dĩ nhiên luôn có sự thay đổi về con người. Antonio Rudiger là cái tên duy nhất đảm bảo suất đá chính ở hàng thủ, trong khi hai vị trí còn lại có sự luân phiên, từ Malick Thiaw, Nico Schlotterbeck, Thilo Kehrer, Matthias Ginter cho đến cả... Emre Can.
Việc Flick liên tục thử nghiệm là điều dễ hiểu, bởi ông đang trong quá trình tìm kiếm hệ thống chiến thuật cũng như những quân bài tốt nhất cho Đức. Sau khi thu về kết quả không như mong đợi với 1 trận hòa và 2 thất bại, Flick quyết định quay trở lại hệ thống 4 hậu vệ trước Nhật Bản. Về lý mà nói, sau một loạt những thành tích yếu kém của Đức như vậy, cộng thêm sức ép lớn từ dư luận, Flick nên chọn ra một đội hình mạnh nhất, ít rủi ro, quyết tâm hạ Nhật Bản nhằm phần nào lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Tuy nhiên, cựu HLV trưởng Bayern lại tiếp tục... thử nghiệm.
Bóng đá Đức đang thiếu trầm trọng lứa cầu thủ tài năng
Schlotterbeck - người chỉ đá trung vệ trong sự nghiệp - được kéo sang đá hậu vệ cánh trái. Thừa nhận rằng Schlotterbeck là một hậu vệ giỏi và sở hữu tốc độ trên đường thẳng rất tốt, nhưng việc đòi hỏi anh phải truy cản những cầu thủ nhỏ con, nhanh nhẹn hơn phía Nhật Bản là điều bất khả thi. Tất cả dường như trở thành công thức dẫn đến thảm họa và những gì diễn ra trên sân phản ánh đúng điều đó. Trong cả hai bàn mà đại diện châu Á ghi trong hiệp 1, cánh của Schlotterbeck bị khai thác triệt để. Ngoài ra, Đức thiếu một cầu thủ có khả năng đánh chặn tốt ở giữa sân, tạo điều kiện để Nhật Bản dễ dàng phản công nhanh.
Flick có vấn đề của riêng ông, song công bằng mà nói, bóng đá Đức hiện tại có gì? Rốt cuộc, những cầu thủ của Die Mannschaft giờ đây không đủ giỏi. Đây là một tập hợp của những cầu thủ có phong độ không tốt, từ Rudiger, Can, Kai Havertz, Thomas Muller cho đến Serge Gnabry. So với đội hình lên đỉnh thế giới năm 2014, những gương mặt mà Đức có hiện giờ rõ ràng khác một trời một vực. Họ thiếu một Phillip Lahm đáng tin cậy bên cánh phải, một cặp trung vệ vững chãi như Jerome Boateng - Mats Hummels, một thủ lĩnh tuyến giữa như Sebastian Schweinsteiger, một chân chuyền siêu hạng như Mesut Ozil hay một trung phong cừ khôi như Miroslav Klose.
Rõ ràng, vấn đề của Đức đang nằm ở cả một hệ thống, chứ không riêng gì mình HLV trưởng hay một hoặc vài cá nhân nào. Nếu tình hình này không sớm được giải quyết, "Cỗ xe tăng" nguy cơ cao sẽ lại trình diễn bộ mặt thảm họa ở VCK EURO ngay tại sân nhà vào Hè sang năm.