UEFA sai lầm khi khai tử luật bàn thắng sân khách

Trên lý thuyết, việc UEFA bỏ luật “bàn thắng trên sân đối phương” sẽ làm tăng tính công bằng. Nhưng bóng đá cũng như cuộc đời, phải có chút “hên, xui” và không nên câu nệ về công bằng tuyệt đối làm gì, cho mất đi kịch tính.

Theo luật cũ (chúng ta chỉ đang tạm dùng từ “luật” cho đơn giản, còn nói một cách chính xác thì đây là điều lệ riêng của từng giải đấu, không phải luật bóng đá), Real Madrid đã bị loại từ vòng đấu trước, khi họ hòa 3-3 với Man City trên sân nhà và hòa 1-1 tại Manchester. Ngược lại, đáng lẽ kết quả hòa 2-2 có được trên sân Bayern Munich phải là ưu thế rất lớn cho họ trước trận lượt về, nhưng Real Madrid hiện chỉ đang có ưu thế... bình thường, của một đội chủ nhà.

Như mọi người đã biết, UEFA bãi bỏ luật “bàn thắng trên sân đối phương” từ đầu mùa bóng 2021/22. Ngày xưa, UEFA giới thiệu luật này vào năm 1965, và nó đứng vững hơn nửa thế kỷ trong bóng đá đỉnh cao. Rất nhiều giải đấu khác đã học theo, dùng luật “bàn thắng trên sân đối phương” để phân định kẻ thắng người thua trong thể thức đấu loại trực tiếp.

Một chi tiết thuộc về điều lệ riêng của một giải đấu riêng mà tồn tại lâu như vậy, ắt phải có giá trị lớn. Bóng đá đỉnh cao từng có khá nhiều điều lệ bị khai tử nhanh chóng chỉ vì quan điểm riêng của chủ giải ngay sau đó đã lộ rõ sai lầm (bóng đá là môn chơi của hàng ngàn quan điểm, lý luận mà).

FIFA và UEFA đều phải thừa nhận sai lầm khi điều lệ “bàn thắng vàng”, đặt ra nhằm khuyến khích bóng đá tấn công, rút cuộc lại bóp chết bóng đá tấn công, giết chết cả những trận đấu đỉnh cao. Khi “bàn thắng vàng” được điều chỉnh thành “bàn thắng bạc”, thì đấy thực chất chỉ là lộ trình che giấu thất bại trong cách nghĩ của FIFA và UEFA. Các điều luật ấy đều chết yểu như một lẽ đương nhiên.

Luật “bàn thắng trên sân đối phương” thì khác hẳn. Nó có ý nghĩa và giá trị chuyên môn cao, lại liên quan nhiều đến kịch tính - chi tiết quan trọng làm cho bóng đá hấp dẫn. Hòa Real Madrid hoặc Bayern là điều bình thường (dù ở một mức độ nào đó, làm được như thế là vẻ vang rồi). Nhưng hòa mà lại ghi đến 3 bàn ngay trên sân Bernabeu, hoặc ghi 2 bàn trên sân Allianz Arena, thì đấy đều là những câu chuyện khác hẳn.

Người ta phải gọi Bernabeu, và vài sân bóng nổi tiếng khác là “thánh địa”. Sân bóng có cả phần hồn của nó. Và rồi, cảm xúc sẽ như thế nào khi cầu thủ của đội khách ghi được bàn thắng quan trọng tại những “thánh địa” như vậy?

Bây giờ, khi UEFA bãi bỏ luật bàn thắng trên sân đối phương, thì một cặp đấu knock-out ở Champions League coi như trở thành trận đấu 180 phút, chia thành 2 nửa 90 phút. Vâng, sẽ có thêm 30 phút hiệp phụ nếu như kết quả cân bằng sau 180 phút. Kết quả hòa 3-3 hay 0-0 tại Bernabeu thì cũng như nhau, đối với đội khách và cổ động viên viên của họ. Lạnh lùng và cứng nhắc.

Tất nhiên, mục tiêu sẽ khác, dẫn đến cách tiếp cận và chiến thuật khác, khi người ta thi đấu theo luật mới. Sẽ không còn sự thận trọng tuyệt đối để tránh việc thủng lưới tại sân nhà (UEFA bảo rằng luật mới khuyến khích bóng đá tấn công, dựa theo lý lẽ này).

Không còn chủ trương “an toàn là bạn”… Ngược lại, sự phấn khích và cảm xúc của đội khách khi ghi được bàn thắng trên sân đối phương dĩ nhiên cũng đã sứt mẻ. Sự chờ đợi của người xem trung lập đối với một trận lượt về, trong hoàn cảnh trận lượt đi có tỷ số hòa cao, giờ cũng rất khác. Coi như tất cả cùng trở về vạch xuất phát - đơn giản và lạnh lùng thế thôi.

Trên nguyên tắc, luật mới làm tăng tính công bằng (theo luật cũ thì đội khách ở trận lượt đi chỉ có 90 phút để ghi bàn trong khi đối thủ của họ có thể có đến 120 phút để ghi bàn trên sân đối phương trong trận lượt về). Trên thực tế, khác biệt ấy coi như chỉ là chút “hên, xui” từ việc bốc thăm.

Đã so sánh bóng đá với cuộc sống rồi, thì còn câu nệ về chỗ công bằng tuyệt đối làm gì, cho mất kịch tính! Các trận hòa với tỷ số cao của Real Madrid ở Champions League mùa này, theo những chiều hướng khác nhau, liệu có làm cho người xem nhớ lại cái điều luật “bàn thắng trên sân đối phương” mà UEFA đã khai tử?

 

TAG: