Nhà môi giới Jernej Kamensek cho biết, cầu thủ Việt Nam khó đến Slovenia chơi bóng. Bởi họ đang nhận được đãi ngộ quá cao mà các đội nước ngoài khó lòng chi trả.
Không còn tuyển thủ Việt Nam nào thi đấu ở nước ngoài trong 1 năm qua - Ảnh: Minh Tuấn
Theo ông Jernej Kamensek - nhà môi giới vừa vượt qua kỳ thi Chứng chỉ đại diện cầu thủ FIFA do LĐBĐ Việt Nam tổ chức, theo thời gian, bóng đá Slovenia bắt đầu sản sinh nhiều ngôi sao trên bản đồ bóng đá châu Âu. “Bóng đá Slovenia của những năm 1990 rất hoang sơ. Chúng tôi quyết định mời các chuyên gia nước ngoài hoặc tự mình sang các quốc gia phát triển để học hỏi. Quy trình thời điểm đó diễn ra khá chậm chạp”, ông Jernej Kamensek nói. Việc xây dựng một đội bóng với các cầu thủ giỏi không dễ dàng đạt được hiệu quả tức thì.
Người Slovenia buộc phải kiên nhẫn ở giai đoạn khởi đầu ấy. Nhưng ở thời điểm hiện tại, dựa trên một nền móng ngày càng được củng cố hơn, cấu trúc bóng đá Slovenia tiến bộ hơn, quá trình phát hiện, đào tạo tài năng cũng diễn ra nhanh hơn so với trước. Tôi vẫn nhớ vào năm 1993, việc bán một cầu thủ Slovenia cho một CLB nước ngoài như chuyện lên cung trăng. Nhưng giờ đây, chúng tôi có thể tự hào về việc “xuất khẩu” cầu thủ sang các CLB mạnh tại lục địa già. Oblak và Sesko là những ví dụ tiêu biểu.
11 cầu thủ hàng đầu của ĐTQG Slovenia có giá trung bình hơn 1 triệu USD/người ở thời điểm hiện tại. Và đó là con số thực chất. Cầu thủ 'Made in Slovenia' ngày càng có giá trị và vị thế trên thị trường chuyển nhượng. Các CLB thật sự quan tâm đến cầu thủ Slovenia. Và thật hạnh phúc, điều đó không chỉ diễn ra với các tuyển thủ quốc gia Slovenia hiện tại. Những gương mặt đang chơi bóng ở Slovenia cũng nhận được sự quan tâm của các tuyển trạch viên”.
Nhà môi giới Jernej Kamensek chia sẻ về quan điểm cầu thủ Việt Nam ít xuất ngoại - Ảnh: FBNV
Ở góc độ thực tiễn, ông Kamensek kỳ vọng bóng đá Việt Nam sẽ đi theo con đường mà Slovenia đã trải qua. Ông thẳng thắn thừa nhận cầu thủ Việt Nam không thể sang Slovenia chơi bóng. Lý do được nhà môi giới này phân tích: “Có một thực tế cần phải bàn là cầu thủ Việt Nam đang nhận chế độ quá cao so với năng lực thực tế của họ. Các CLB nước ngoài sẽ không thể trả được con số như vậy. Một cầu thủ giỏi của Việt Nam nhận lương gấp 10 lần so với con số thực tế về lương mà các đội bóng ở nước ngoài có thể chi trả. Đó cũng là một phần lý do khiến cho cầu thủ Việt Nam ít xuất ngoại. Hay ngược lại, các CLB nước ngoài chưa quan tâm đúng mực đến thị trường Việt Nam”.
Ông Jernej Kamensek nói tiếp: “Hiện tại, chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thường được 'đóng gói' trong những thương vụ đặc biệt. Một số CLB nước ngoài vẫn để ý đến những cầu thủ giỏi nhất của Việt Nam. Nhưng mọi chuyện sẽ bị cường điệu hoá trên truyền thông. Và rất tiếc khi phải nói rằng sự kỳ vọng của người hâm mộ dành cho những thương vụ này quá lớn. Vô hình trung, điều đó tạo nên áp lực cho các cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại”.
Ông Kamensek cũng cho biết: “Trước khi nghĩ đến chuyện có thể đào tạo cầu thủ có chất lượng và được định giá đúng nghĩa 1 triệu USD, tôi vẫn hy vọng hệ thống huấn luyện, đào tạo của bóng đá Vệt Nam được củng cố. Các chuyên gia bóng đá Việt Nam cần liên tục bồi dưỡng kiến thức, chịu khó học hỏi từ các nền bóng đá như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc trước khi vươn tới châu Âu, Nam Mỹ. Có như thế, nền bóng đá Việt Nam sẽ được phát triển hơn. ĐT Việt Nam mới có được những ngôi sao thực thụ và được định giá triệu đô trên thị trường chuyển nhượng”.