Chỉ trong vòng vài năm qua, Brighton đã thu về tổng cộng 394 triệu bảng từ tiền bán cầu thủ, trong đó thương vụ mới nhất là Moises Caicedo gia nhập Chelsea với giá 115 triệu bảng. Vậy Brighton đã buôn bán cầu thủ giỏi như thế nào?
Chuyên gia 'mài ngọc'
Nhiều người cho rằng, Brighton hiện là đội bóng có khả năng "mài ngọc" tốt nhất nước Anh hiện nay. Seagulls là chuyên gia mua cầu thủ với giá cực kỳ thấp và sau đó bán lại với lợi nhuận khổng lồ. Hè năm ngoái, Brighton đã thu về hơn 100 triệu bảng từ việc bán cầu thủ, trong đó Marc Cucurella đến Chelsea với giá 62 triệu bảng là thương vụ lãi nhất. Năm 2021, anh chuyển đến Brighton với giá chỉ 15,4 triệu bảng. Ngoài ra, còn có thương vụ mua Yves Bissouma với giá 15 triệu bảng hồi năm 2018, trước khi bán cho Tottenham với giá 35 triệu bảng.
Brighton chiêu mộ Neal Maupay từ Brentford với giá 16 triệu bảng và sau đó để anh chuyển đến Everton với giá 12 triệu bảng. Đây cũng là thương vụ lỗ duy nhất của họ thời gian qua. Leandro Trossard, người đã được mua lại từ Genk với giá 18 triệu bảng hồi năm 2019, đã được bán cho Arsenal vào tháng 1 với giá 27 triệu bảng.
Mùa Hè này, Brighton còn "làm ăn" tốt hơn. Mac Allister gia nhập Liverpool trong một hợp đồng trị giá 55 triệu bảng. Trước đó, anh được mua về với giá chỉ 8 triệu bảng.
Moises Caicedo là cái tên mới nhất được thêm vào danh sách đó, với khoản lợi nhuận thu về đạt mức hơn 100 triệu bảng. Caicedo được mua lại từ Independiente del Valle của Ecuador với giá chỉ 4 triệu bảng. Anh vừa gia nhập Chelsea với giá kỷ lục nước Anh lên tới 115 triệu bảng.
Ngoài ra, Brighton đã bán thủ môn Robert Sanchez cho Chelsea vào mùa Hè này với giá 25 triệu bảng, sau khi anh gia nhập đội bóng với giá 15 triệu bảng. Tổng cộng, họ thu về 394 triệu bảng từ việc bán cầu thủ chỉ trong vòng 1 năm.
Luôn có sẵn phương án B cho tất cả
Vậy bí quyết thành công của Brighton là gì? Đầu tiên phải nhắc đến tài năng của GĐĐH Paul Barber, người đoạt giải thưởng “GĐĐH xuất sắc nhất Premier League 2022/23”.
Trong chiếc máy tính xách tay của mình, Barber luôn có một tệp chứa tên của những người sẵn sàng thay thế cho ít nhất 25 cá nhân chủ chốt đang làm việc tại câu lạc bộ. Từ cầu thủ, huấn luyện viên, nhân viên hậu trường, giám đốc điều hành... Luôn có sẵn người thay thế tiềm năng (thậm chí có tới 2 hoặc 3 người thay thế) cho mỗi người trong số họ nếu có bất kỳ điều gì xảy ra với họ hoặc nếu họ chọn ra đi. Thậm chí còn có cả đề xuất về người thay thế Barber làm giám đốc điều hành trong trường hợp ông rời CLB.
GĐĐH Barber đang làm rất tốt công việc tại Brighton
Brighton đã thu về gần 400 triệu bảng chỉ trong vòng 1 năm thông qua việc bán cầu thủ, nhưng màn trình diễn trên sân của họ không bị ảnh hưởng. Đội bóng này đã thăng tiến từ việc chơi ở giải hạng Ba của Anh vào năm 2011 đến việc lần đầu giành được suất dự Europa League sau khi đứng thứ 6 tại Premier League 2022/23.
Họ đã làm tốt ngay cả sau khi mất huấn luyện viên Graham Potter ở giữa mùa giải trước. Bất chấp sự hoài nghi của một số chuyên gia, người được bổ nhiệm thay Potter là Roberto De Zerbi thậm chí còn thành công hơn người tiền nhiệm.
“Một mẹo mà chúng tôi phải cố gắng thực hiện với tư cách là một câu lạc bộ có quy mô như chúng tôi là sự tiến hóa”, Barber nói. “Vì vậy, những gì chúng tôi không muốn làm là xây dựng một đội hình cho 1 huấn luyện viên này. Và khi huấn luyện viên này rời đi thì phải xây dựng một đội hình hoàn toàn khác cho huấn luyện viên tiếp theo. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển từ huấn luyện viên này sang huấn luyện viên khác với cùng một đội hình”.
Thuật toán bí mật của Brighton
Người được mệnh danh là “Bố già cờ bạc”, Tony Bloom, chủ sở hữu của Brighton, là người đứng đằng sau mọi chuyện. Bí mật của Bloom là gì? Doanh nhân 53 tuổi chuyên về cá cược thể thao sở hữu nguồn lực phân tích và thông tin tình báo trên toàn thị trường của riêng mình. Ngay cả các thành viên của câu lạc bộ cũng không được phép biết thuật toán là gì.
Nhưng Barber đã có một chút hé lộ: “Chúng tôi có cơ sở dữ liệu về con người, mức độ và thuộc tính hiệu suất cho phép chúng tôi dự đoán chính xác hơn liệu một cầu thủ ở quốc gia X có nhiều khả năng thích nghi với việc chơi ở Premier League hay không”.
Kaoru Mitoma chính là ví dụ điển hình nhất. Brighton đã ký hợp đồng với cầu thủ người Nhật Bản vào mùa Hè năm 2021 khi mà không nhiều người biết đến anh. Và họ đã thành công khi Mitoma trở thành một trong những cầu thủ nguy hiểm nhất của Brighton và là một trong những ngôi sao đột phá của Premier League mùa trước.
“Thông thường, chúng tôi sẽ cố gắng tìm người thay thế cho một cầu thủ mà chúng tôi nghĩ có thể sẽ ra đi trước khi điều này xảy ra", Barber nói thêm.
Ông chủ Tony Bloom là người xây dựng nên thành công của Brighton với chiến lược cực kỳ thông minh
Điều này đã xảy ra nhiều lần ở Brighton trong 1 năm qua. Họ đã có một Mitoma xuất sắc thay thế Leandro Trossard khi anh này chuyển đến Arsenal. Caicedo cũng được đưa về khi mới 19 tuổi vào năm 2021 để chuẩn bị cho việc bán tiền vệ Yves Bissouma.
Barber cho biết, nếu Brighton cố gắng tuyển dụng người thay thế sau khi bán Bissouma, thì có lẽ họ sẽ phải trả giá cao hơn hoặc phải theo đuổi một người mà họ không đủ khả năng chi trả.
Sự phát triển của Brighton trong những năm gần đây cũng giúp họ trở thành một cái tên bảo chứng thành công cho các cầu thủ trẻ. Tiền đạo tiềm năng Evan Ferguson đã chọn Brighton khi mới 18 tuổi, thay vì một loạt những đội bóng theo đuổi Premier League vào tháng 1/2021. Anh cho biết câu lạc bộ đã hứa cho mình có cơ hội được thi đấu ở Premier League chứ không phải là đá cho đội trẻ như tại các CLB khác.
Trong vòng một năm sau khi gia nhập Brighton, Ferguson đã được chuyển lên đội một. Mùa giải 2022/23, anh đã trở thành nhân tố chủ chốt ở nửa sau của chiến dịch. “Ở đây, nếu họ nghĩ bạn đủ tốt, họ sẽ cho bạn cơ hội”, Ferguson chia sẻ.
Mô hình của Brighton dựa vào việc đưa cầu thủ vào đúng thời điểm, đúng giá, đồng thời liên tục tái đầu tư số tiền nhận được vào đội hình. Câu lạc bộ hiện có một trong những đội trẻ nhất của Premier League, một dàn cầu thủ đa quốc gia được tuyển dụng vì tiềm năng của họ và giá trị trong tương lai.
Việc chọn Brighton thay vì một tên tuổi lớn hơn thường rất đơn giản: Gia nhập Brighton ngay bây giờ, tận dụng cơ hội để thể hiện mình tại Premier League, và sau đó chuyển đến câu lạc bộ trong mơ của bạn.
Chỉ Bloom là không thể bán
Bloom đã đầu tư một khoản tiền lớn vào câu lạc bộ - hơn triệu 500 bảng kể từ khi mua lại Brighton vào năm 2009 - và chứng kiến mô hình phức tạp và cực kỳ bí mật của ông dần đi đến thành công. Bloom đã xây dựng hệ thống cho phép Brighton đi trước các đối thủ cạnh tranh vài bước. “Ông ấy là người duy nhất không thể rời đi”, Barber nói.