Nghệ thuật đánh đầu phai tàn ở Premier League

Tạt cánh, đánh đầu từng là những đặc điểm cơ bản của bóng đá Anh nhưng nó dường như là những kiến thức lỗi thời. Dịch chuyển theo xu hướng chung của thế giới, Premier League giờ cũng thu nạp thêm nhiều lối chơi, qua đó phai dần đi nghệ thuật đánh đầu từng làm nên thương hiệu.

Đánh đầu là một điều kỳ diệu của bóng đá. Nói không quá, nó có thể đại diện cho cả môn thể thao này thông qua cấu trúc vận hành. Không đơn giản là nhảy lên và dùng trán đập vào quả bóng, để có một bàn thắng bằng đầu đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đó là tốc độ, tính toán, căn chỉnh, di chuyển và một thân trên linh hoạt. 

Để có được một bàn thắng bằng đầu chắc chắn khó hơn rất nhiều những pha phối hợp trên mặt cỏ. Và như cựu tiền đạo ĐT Anh, Brian Deane từng nói: "Đánh đầu là một nghệ thuật". Nhưng thứ nghệ thuật đó đang dần biến mất.

Deane là người ghi bàn thắng đầu tiên của kỷ nguyên Premier League ở trận khai màn mùa giải 1992/93 giữa Sheffield United và MU. Đó cũng là bàn thắng bằng đầu đầu tiên trong tổng số 265 bàn được ghi trong mùa đó. Tính ra, số bàn thắng bằng đầu chiếm 21,7% tổng số bàn của 22 đội mùa đó. 3 năm sau, con số lên tới đỉnh điểm 23,1%. Nhưng trong những mùa gần đây, nó chỉ còn khoảng 15%.

Số bàn thắng bằng đầu và tỷ lệ của nó trên tổng bàn thắng trong các mùa Premier LeagueSố bàn thắng bằng đầu và tỷ lệ của nó trên tổng bàn thắng trong các mùa Premier League

Số bàn thắng bằng đầu không vượt quá mốc 20% ở Premier League kể từ mùa 2000/01. Ngoài ra, mốc 200 bàn bằng đầu/mùa cũng không đạt được kể từ mùa 2010/11. Đây là hệ quả của thứ bóng đá nhanh hơn, phức tạp hơn, đảm bảo độ chính xác cao hơn. Nó ưu tiên những đường chuyền tầm thấp, đan bóng tới tận vòng 16m50 để đảm bảo cú dứt điểm sau cùng có thể đi trúng đích.

Thể chất cầu thủ không phải là vấn đề. Những tiền đạo ngày nay không hề thấp đi, thậm chí còn có không ít những người khổng lồ như Erling Haaland. Tuy nhiên, tiền đạo ngày nay buộc phải quên đi tư duy "mắc màn" trong vòng cấm và chờ đợi những quả tạt từ 2 cánh. Họ phải làm nhiều công việc hơn, phải hỗ trợ phòng ngự, di chuyển rộng, làm mắt xích phối hợp. Do đó, rất ít người trong số này được coi là chuyên gia không chiến.

"Khi Erling Haaland đến, các hậu vệ dường như không biết làm cách nào để ngăn chặn những pha di chuyển khéo léo của cậu ấy trong vòng cấm", Deane nói. "Với tôi, đó là thứ bóng đá lôi cuốn nhưng những cầu thủ ngày nay phải học rất nhiều thứ khác. Tôi không biết liệu chúng ta có thể quay về những tiêu chuẩn như ngày trước hay không".

Haaland sở hữu nhiều kỹ năng khác chứ không chuyên đánh đầuHaaland sở hữu nhiều kỹ năng khác chứ không chuyên đánh đầu

Sự toàn cầu hóa mang tới nét đa dạng cho Premier League. Hạng đấu cao nhất của xứ sương mù lúc này tự hào khi sở hữu những HLV hàng đầu thế giới, nổi bật là Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Mikel Arteta, Erik ten Hag, Mauricio Pochettino, De Zerbi... Không ai trong số này đi theo lối mòn xưa cũ là tập trung tạt bóng vào trong vòng cấm cho tiền đạo cao to đánh đầu.

Với Man City là một điển hình dù có Haaland. Trước khi trung phong người Na Uy đến, Pep thậm chí chỉ toàn sở hữu những tiền đạo nhỏ con không giỏi không chiến như Sergio Aguero và Gabriel Jesus. Thậm chí, có giai đoạn City thi đấu mà không có tiền đạo thực thụ, toàn là tiền vệ đóng vai "số 9 ảo". Điều quan trọng là City vẫn thành công với cách chơi đó, và tạo nên trào lưu mới, thay đổi nhận thức của người Anh về cách tiền đạo có thể ghi bàn.

Xu hướng của bóng đá bây giờ tập trung vào kiểm soát và những bàn thắng bằng đầu lại đến thường xuyên từ những... trung vệ khi tham gia các tình huống cố định. Điển hình trong số này là Arsenal. Pháo thủ sở hữu các tiền đạo nhỏ con nhưng lại đang đứng đầu về số bàn thắng bằng đầu ở mùa này. Với đà này, thời của những Brian Deane, Oliver Bierhoff hay Miroslav Klose còn lâu mới trở lại.

TAG: