MU vs Chelsea, derby ‘những kẻ phản thầy’

Trận đấu giữa MU vs Chelsea cũng xứng đáng được gọi là một trận derby, nhưng không phải derby đỉnh cao hay derby máu lửa. Mà là derby cho những kẻ phản thầy.

Chelsea vốn vẫn được gọi là FC Phản thầy. Dưới thời ông chủ Roman Abramovich, họ thay HLV như thay áo. Chính xác thì vị tỷ phú người Nga đã sa thải tổng cộng 14 HLV trong vòng chưa đến 20 năm, trong đó riêng Jose Mourinho và Guus Hiddink “may mắn” có hai lần bị đuổi.

Đến thời chủ Mỹ cũng không khá hơn. Todd Boehly bắt đầu triều đại của mình bằng việc sa thải Thomas Tuchel để bổ nhiệm Graham Potter. Cứ tưởng vị HLV người Anh sẽ được trao cho nhiều thời gian khi ký hợp đồng tới 5 năm, nhưng chỉ sau bảy tháng ông đã bị đẩy ra đường. Tính cả Mauricio Pochettino, The Blues đã có tổng cộng 4 HLV chỉ trong hơn một năm từ khi Boehly mua lại CLB.

Tất nhiên có nhiều lý do khiến một HLV bị sa thải. Nhưng với Chelsea, do tần suất thay HLV diễn ra quá dày, cùng với đó là vòng lặp “đáng ngờ” liên quan tới phong độ của đội bóng - đá dở, HLV bị đuổi, HLV mới lên, đá hay một thời gian, rồi lại đá dở, cho tới khi có một HLV mới và cứ thế... - người ta cho rằng một lý do quan trọng là cầu thủ “làm phản”. Do nguyên tắc trong nghề, các HLV sau khi ra đi không tiết lộ những gì đã xảy ra. Nhưng HLV Mourinho khi còn tại vị cũng đã ám chỉ tới việc ở Stamford Bridge có “những con chuột”, là những kẻ ngấm ngầm tuồn tin ra ngoài cho báo chí để làm cho đội bóng bất ổn.

Fan MU từng một thời cười cợt thực trạng đó ở đối thủ. Nhưng bây giờ nhìn lại, đội bóng của họ cũng đâu có khác gì, đâu có tốt đẹp gì hơn. Thứ nhất là chuyện thay HLV như thay áo. Từ sau khi Sir Alex nghỉ hưu tới nay đã hơn 10 năm, MU của họ cũng đã trải qua 8 đời HLV, tính cả Erik ten Hag. Xét tần suất thì “máy chém” ở Old Trafford thậm chí còn hoạt động với cường độ cao hơn cả ở Stamford Bridge.

Thứ hai là vấn đề “phản thầy”. Mourinho, cũng là Mourinho, từng gọi một số cầu thủ MU, đích danh có Paul Pogba, là một con virus. Ole Gunnar Solskjaer hiền lành là thế cũng bị lật ghế, mà như ông thú nhận là “có một số cầu thủ không muốn tôi ở lại”. Tình trạng “nhiều cầu thủ không hài lòng với phương pháp của HLV” như đang xảy ra với Ten Hag từng xuất hiện dưới gần như tất cả các đời HLV trước đây của Quỷ đỏ, từ David Moyes trở đi.

Tất nhiên, như đã nói, do các bên đều tôn trọng nguyên tắc giữ kín thông tin nội bộ, nên không ai thực sự biết được điều gì đang diễn ra. Phía MU cũng chỉ có thể phản ứng bằng cách “nghỉ chơi” với một số tờ báo mà họ cho rằng đã đưa tin không chính xác và thiếu nguyên tắc kiểm chứng. Nhưng như người ta nói, không có lửa thì làm sao có khói. Chắc chắn trong đội hình của MU lúc này cũng đang có những con virus, những "con chuột".

Những đội bóng không đề cao vai trò của HLV, chỉ xem HLV như là một người làm chuyên môn huấn luyện đơn thuần (coach) thay vì là một nhà quản lý (manager), chính là môi trường lý tưởng cho lũ virus, "lũ chuột" sinh sôi và thống trị. Khi thấy vui, chúng sẽ chạy thật nhiều, đá thật hay để mang lại những kết quả tốt. Còn khi hết vui, chúng sẵn sàng quậy tung để khiến vị HLV đang làm chúng thấy khó chịu phải bật bãi và bắt đầu chơi lại từ đầu với một vị HLV mới.

Liệu các đội bóng có xử lý được tình trạng này hay không? Rất tiếc là không, nếu đội bóng đó vẫn đối xử với các cầu thủ như những ông vua bà chúa, sẵn sàng trao cho họ những hợp đồng béo bở bất chấp đóng góp của họ là không hề tương xứng.

TAG: