MU, con "Gà" trên TTCN

MU có thể đã cải thiện lối chơi và thành tích dưới thời HLV Erik ten Hag. Nhưng trên thị trường chuyển nhượng, MU vẫn tỏ ra vụng về với những vụ mua hớ và kế hoạch bát nháo.

Chỉ riêng mùa Hè năm ngoái, Man City kiếm được nhiều tiền từ chuyển nhượng hơn MU trong cả thập kỷ qua. Nửa xanh thành Manchester thu về 143 triệu bảng từ việc bán Raheem Sterling, Oleksandr Zinchenko, Gabriel Jesus cùng những cầu thủ khác. Vì thế dù bỏ ra 95 triệu bảng tậu Erling Haaland và Kalvin Phillips, Man City vẫn có lợi nhuận cao.

Ở phía bên kia thành Manchester, MU chỉ kiếm được 11 triệu bảng phần lớn nhờ vụ bán Andreas Pereira sang Fulham. Còn ở chiều ngược lại, họ chi tới 208 triệu bảng tậu cầu thủ mà riêng Antony đã chiếm 85 triệu bảng. Pereira lột xác tại Fulham khi đóng vai trò chủ chốt với 33 lần ra sân tại Premier League và 10 lần in dấu giầy vào bàn thắng. Ngược lại, Antony chỉ đóng góp vào 6 bàn tại Premier League, ghi 1 bàn trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 tới tháng 5/2023 và không có pha kiến tạo nào cho tới tháng 4. Cầu thủ người Brazil kết thúc mùa giải Premier League đầu tiên với chỉ 4 đường kiến tạo, bằng với thành tích tại giải vô địch Hà Lan mùa trước.

Khó có thể so sánh Andreas Pereira và Antony vì họ là những cầu thủ hoàn toàn khác nhau. Nhưng cũng không ngoa khi cho rằng MU đã bán rẻ Pereira và mua hớ Antony. Tất nhiên mọi CLB đều mắc sai lầm trên TTCN. Nhưng có vẻ với MU, sai lầm là thứ lặp đi lặp lại và chẳng có bài học nào được rút ra. Hè này, họ đã chi tới 60 triệu bảng cho Mason Mount dù tiền vệ này đã sa sút và chỉ còn một năm hợp đồng tại Chelsea. Còn trong vụ De Gea, MU cho thấy khả năng điều hành tồi tệ khi rút lại đề nghị gia hạn bất luận thủ môn người TBN đã chấp thuận các điều khoản. Để rồi khi De Gea mãn hạn hợp đồng thì MU phải dáo dác đi tìm thủ môn mới.

Inter hay Atalanta vì thế đều biết rằng họ có thể nâng giá Andre Onana và Rasmus Hojlund lên mức phi lý trên bàn đàm phán với MU, kẻ luôn vụng về trên bàn đàm phán chuyển nhượng.

Mua hớ Antony

Một trong những lý do khiến MU thường trả giá quá cao cho các mục tiêu chuyển nhượng là bởi họ luôn cố gắng thực hiện từng thương vụ một và “đắm chìm” vào duy nhất một mục tiêu. Không dừng lại cho tới khi đạt được mục đích. Kết quả cuối cùng thường là một mức giá trên trời.

MU phải mua Antony với giá quá caoMU phải mua Antony với giá quá cao

Antony là trường hợp tiêu biểu. Mùa hè năm ngoái, Ajax cương quyết không bán cầu thủ người Brazil mà họ xem là vật báu. Chính GĐĐH Edwin Van der Sar khẳng định: “Chúng tôi muốn giữ Antony thêm một năm nữa. Chúng tôi có tiền trong ngân hàng nên không nhất thiết phải bán Antony. Nhưng với mức phí rất cao, chúng tôi đã thách thức MU tiến xa nhất có thể”.

MU ban đầu tuyên bố không trả quá 60 triệu bảng cho Antony nhưng rốt cuộc chi tới 85 triệu bảng, khiến họ không còn tiền mua cầu thủ vào kỳ CN mùa Đông. Hậu quả là MU thua Liverpool trong cuộc giành giật Cody Gakpo và chỉ có thể mang về Wout Weghorst dưới dạng cho mượn.

Ăn thua với Man City vụ Maguire

Câu chuyện tương tự diễn ra với Harry Maguire. Trung vệ người Anh là mục tiêu số 1 của Jose Mourinho trong năm 2018 sau một kỳ World Cup xuất sắc. Khi đó Maguire chỉ có giá khoảng 60 triệu bảng, nhưng MU không sẵn sàng ủng hộ vị HLV người Bồ Đào Nha.

Mùa Hè năm sau, giá chuyển nhượng của Maguire còn tăng cao hơn, Man City cũng bày tỏ sự quan tâm đến hậu vệ người Anh khiến Leicester đòi 100 triệu bảng. Man City gửi lời đề nghị 70 triệu bảng, MU quyết đánh bại đối thủ láng giềng nên giành được Maguire với giá 80 triệu bảng.

Maguire cũng là thương vụ quá đắt đỏ cho MUMaguire cũng là thương vụ quá đắt đỏ cho MU

4 năm trôi qua, Maguire đứng thứ 5 trong số các trung vệ của Man United, chỉ đá chính 8 trận ở Premier League mùa trước và thậm chí mất vị trí trong một số trận vào tay hậu vệ trái Luke Shaw. Maguire có thể phù hợp với phong cách bóng đá của Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer nhưng lại gặp khó khăn với Ten Hag vì điểm yếu cầm bóng.

Man United sẵn sàng bán Maguire vào mùa Hè này nhưng lại treo mức giá phi lý 50 triệu bảng. Điều đó khiến những CLB theo đuổi Maguire quay đầu. Giá chuyển nhượng của trung vệ người Anh sẽ ngày một giảm trong hợp đồng chỉ còn hai năm. MU quá dại dột khi cố gắng ăn đậm vụ Maguire để bù lỗ nhưng lại khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

MU cần sự quyết đoán của Man City 

Một khác biệt rõ nét của Man City so với MU trong các cuộc đàm phán là họ sẵn sàng từ bỏ một thỏa thuận. Mùa Hè năm ngoái, Man City muốn có Marc Cucurella của Brighton nhưng họ đã giảm bớt sự quan tâm khi được báo giá 45 triệu bảng. Thay vào đó, Man City mang về Sergio Gomez từ Dortmund chỉ với 15 triệu bảng. Trong khi đó, Cucurella chuyển đến Chelsea với giá 55 triệu bảng và có một mùa giải ra mắt tệ hại. Thực tế Gomez cũng chơi không tốt ở Man City, chỉ ra sân 340 phút ở Premier League và đá chính 2 trận. Nhưng bằng cách thay đổi mục tiêu chuyển nhượng, Man City đã chứng tỏ họ không dễ bị ‘dắt mũi” trên bàn đàm phán.

Đôi khi, Man City chỉ đơn giản là ký hợp đồng với những cầu thủ ở các vị trí khác nhau. Sau khi rút khỏi thương vụ Maguire vào năm 2019, Man City đã quyết định rằng họ không cần một trung vệ mới, thay vào đó đôn lên Eric Garcia từ đội trẻ và chi tiền mua Rodri (59 triệu bảng), Joao Cancelo (55 triệu bảng).

Man City cũng từ chối các thỏa thuận dành cho Kalidou Koulibaly và Jorginho sau khi ngần ngại về mức giá và làm điều tương tự với Declan Rice vào mùa Hè này sau khi West Ham từ chối lời đề nghị trị giá 90 triệu bảng của họ. Cuối cùng chỉ có Arsenal dám chi tới 105 triệu bảng tậu Rice.

Dại dột vụ Mason Mount

MU đã có cơ hội kiếm được một thỏa thuận tốt hơn từ Chelsea trong thương vụ Mason Mount khi tiền vệ này bước vào năm cuối hợp đồng với The Blues. Điều đó giải thích cho mức giá mở đầu của MU là 40 triệu bảng, tức thì bị Chelsea từ chối.

MU còn có thêm lợi thế là Chelsea cần bán Mount trước ngày 30/6, ngày kết thúc năm tài chính nhằm cân đối sổ sách và tuân thủ các quy tắc của Premier League về chi tiêu bền vững. Tức là MU có quyền ép giá Chelsea phải bán rẻ Mount.

Nếu khôn ngoan hơn, MU có thể mua Mason Mount với giá thấpNếu khôn ngoan hơn, MU có thể mua Mason Mount với giá thấp

Nhưng cuối cùng MU lại đồng ý trả trước 55 triệu bảng cộng thêm 5 triệu bảng tiền thưởng liên quan đến số lần ra sân và thành tích. Đó là một khoản phí quá lớn đối với một cầu thủ đang sa sút ở Stamford Bridge với chỉ 3 bàn thắng mùa trước và hợp đồng lại sắp hết hạn.

Nhìn sang Man City mới thấy MU dại thế nào. Đội bóng của Pep Guarrdiola giành được Mateo Kovacic, người cũng còn 1 năm hợp đồng với Chelsea, với mức giá chỉ có 25 triệu bảng.

Hai sai lầm trong hợp đồng với De Gea

Vụ chiêu mộ thiếu khôn ngoan với Mason Mount bị lu mờ bởi cách đối xử tồi tệ của MU với De Gea. CLB được cho là đã đồng ý ký hợp đồng mới cho De Gea và thủ môn này sẽ trở lại trước mùa giải vào tháng Bảy. Rốt cuộc thì sao, De Gea bị sốc khi MU bất ngờ rút lại đề nghị.

MU mắc liên tiếp những sai lầm trong cách làm việc với De GeaMU mắc liên tiếp những sai lầm trong cách làm việc với De Gea

Về đường lối, việc chia tay De Gea và ký hợp đồng với một thủ môn hiện đại, có tư duy cầu tiến, tự tin với trái bóng trong chân như Andre Onana vẫn là một bước đi đúng đắn của MU. Nhưng vụ De Gea một lần nữa tô đậm sự vụng về và thiếu quyết đoán của MU trong cách làm việc với cầu thủ. Đó sẽ là hạn chế của MU khiến các mục tiêu của họ, cũng những người đại diện, ngần ngại khi đàm phán với đội chủ sân Old Trafford.

Nhưng việc rút lại hợp đồng không phải là động thái tồi tệ nhất mà MU thực hiện với De Gea. Đó là khi họ đồng ý trao cho thủ môn này hợp đồng trị giá 375.000 bảng mỗi tuần vào năm 2019, biến De Gea thành cầu thủ được trả lương cao nhất tại Premier League vào thời điểm đó. Ngoài việc làm phình quỹ lương CLB, hợp đồng với De Gea còn làm giảm đáng kể cơ hội bán thủ môn này trong tương lai, dẫn đến hệ quả là De Gea ra đi dưới dạng tự do.

Mất cầu thủ một cách lãng phí

De Gea không phải là cầu thủ nổi tiếng duy nhất rời MU mà không mang lại đồng nào trong những năm gần đây. Paul Pogba, Juan Mata, Ander Herrera, Nemanja Matic và Jesse Lingard đều ra đi khi hết hạn hợp đồng.

Theo nhà phân tích tài chính bóng đá Kieran Maguire, việc MU không có khả năng đàm phán về kế hoạch ra đi cho các cầu thủ giải thích lý do tại sao họ xếp cuối bảng trong các câu lạc bộ 'Big Six' của Premier League về doanh số bán cầu thủ từ năm 2013 đến năm 2023. Cụ thể MU chỉ kiếm được 133 triệu bảng, trong khi Chelsea dẫn đầu với 706 triệu bảng và đã kiếm thêm 190 triệu bảng trong mùa Hè này từ các thương vụ bán Mount, Kovacic và Kai Havertz.

Kế hoạch chuyển nhượng tồi tệ của MU những mùa trước dẫn tới hậu quả là họ rất cần bán cầu thủ vào mùa Hè này để có tiền mua một tiền đạo, sau khi đã chi ra gần một nửa trong 120 triệu bảng ngân sách chuyển nhượng vì Mount. 

MU phải trở thành những nhà đàm phán cứng rắn hơn hoặc mở rộng mạng lưới mục tiêu. Nếu không, họ sẽ lại đặt Ten Hag vào thế khó trên TTCN với những hợp đồng đi mượn kiểu Weghorst mùa trước.

TAG: