Khi Jadon Sancho trở lại Dortmund theo bản hợp đồng cho mượn, có vẻ như Man United đã trở thành nơi khiến những cầu thủ tài năng lạc lối, là tử địa cho những viên ngọc thô cần mài giũa.
Con đường sự nghiệp của Jadon Sancho là tấm gương phản chiếu vòng xoáy tài năng của MU ngày nay. Được Dortmund nuôi dưỡng ở những năm cuối tuổi thiếu niên, anh đến Old Trafford vào năm 2021 giữa vô vàn tin vui. Giờ đây, đã 2 năm rưỡi trôi qua, Sancho quay trở lại chốn cũ với danh tiếng bị tổn hại nhiều.
Có ý kiến cho rằng Sancho bị HLV Erik ten Hag coi thường đến mức buộc phải tập luyện cùng các cầu thủ trẻ, nên anh chỉ có lỗi với bản thân. Nhưng thực tế là mô hình này tái diễn quá thường xuyên ở MU, nên không thể coi nó là sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa.
Lộ trình của Paul Pogba cũng là một vòng tròn tương tự. Được đào tạo bởi MU, anh đã tạo dựng được danh tiếng tại Juventus, để rồi được MU mua lại vào năm 2016 với giá 89 triệu bảng, mức phí kỷ lục thế giới khi đó. Thế nhưng sau 6 năm và vô số lần cãi vã với Jose Mourinho, anh lại quay về Turin.
Ít nhất thì Pogba đã tích lũy được một bảng thành tích đáng nể, với 154 lần ra sân cùng 29 bàn thắng và một vài danh hiệu. Về phần Sancho, anh trở lại Dortmund với lời hứa không được thực hiện một cách đáng tiếc.
Sau 2,5 năm, Sancho quay về Dortmund trong cảnh thân tàn ma dại dù nhiều tiền hơn
MU đang dần hình thành thói quen này, ký hợp đồng với những cầu thủ mà họ coi là thuốc chữa bách bệnh, chỉ để khiến họ trở thành cái vỏ của chính mình trước đây. Năm 2014, MU trao chiếc áo số 7 mang tính biểu tượng, chiếc áo của George Best và Eric Cantona, cho Angel Di Maria. Thành công của quyết định đó có thể được tóm tắt bằng sự chua chát của cô vợ Jorgelina: Manchester là chốn địa ngục.
Còn Alexis Sanchez thì sao? Mặc dù gia nhập MU trong thời kỳ đỉnh cao và nhận mức lương 500.000 bảng mỗi tuần, anh chỉ giống một món hàng giả. Chính vì truyền thống này, mà thương vụ Sancho mới được kích hoạt. Nhưng đây lại là thất bại tiếp theo.
Thời điểm ấy, Sancho được coi là một hiện tượng và dù đã kỳ kèo, MU vẫn phải trả cho Dortmund cái giá 73 triệu bảng. Nhưng anh là một kẻ ngang ngược, một "tên khốn" mà Ten Hag thấy rất ít tiềm năng, đến nỗi bị MU "làm nhục" bằng cách bắt xuống tập cùng đám thiếu niên, phải ăn cơm hộp. Dù mức lương cao có làm anh vơi đi nỗi đau, thì đó vẫn là một sự nhục nhã.
Câu hỏi quan trọng ở đây là liệu lỗi nằm ở Sancho hay MU nhiều hơn? Ten Hag đã thẳng thắn nhấn mạnh vào tháng 12/2022 rằng, Sancho “không đủ thể lực, cả về thể chất lẫn tinh thần”. Tuyên bố này đã dập tắt mọi hy vọng về việc làm lại từ đầu của Sancho ở mùa giải hiện tại.
Sancho là ví dụ mới nhất cho sự yếu kém của MU trong việc mua và sử dụng các cầu thủ
Ten Hag cũng từng nói vào tháng 9/2023 rằng ông không chọn Sancho vào đội hình thi đấu do anh tập luyện quá tồi tệ. “Bạn phải đạt đến đẳng cấp hàng ngày ở Manchester United”, ông nói một cách chua chát. Chính nhận xét này đã buộc Sancho phải phản bác lại trên mạng xã hội, và cầu xin các CĐV đừng tin vào những gì mình nghe thấy.
Nếu có thể đổ lỗi cho Sancho vì bất cứ điều gì, thì đó là phong độ tồi tệ của anh, với 3 lần ra sân và đều bị thay ra. Ten Hag có đúng khi đẩy Sancho vào một cuộc lưu đày cô đơn như vậy? Theo một nghĩa nào đó, câu trả lời là không quan trọng. Điều quan trọng nhất là toàn bộ câu chuyện đáng tiếc này - sự suy tàn của một cầu thủ xuất sắc một thời và cuộc tranh giành quyền lực sau đó với HLV - là một câu chuyện ngày càng quen thuộc ở MU.
Điều đó đã xảy ra với Pogba, người có mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mourinho, đến mức cặp đôi này nhìn chằm chằm vào nhau như quân thù trong khi tập luyện. Chúng ta cũng thấy điều đó với Sanchez, khi những màn thể hiện hời hợt liên tiếp của anh dẫn đến những chỉ trích về sự lười biếng.
Di Maria bị nhiều CĐV MU chửi bới vì lãng phí tiền bạc. Anh sau đó lại chỉ trích Louis van Gaal là HLV tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình. Chuỗi khiếu nại và đấu tố nghiệt ngã này chỉ là một khía cạnh của tình trạng rối loạn tại MU kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu.
Ten Hag có sự cương quyết cửa quyền nhưng không giỏi khai thác và nâng tầm cầu thủ
Điều lo lắng sâu sắc nhất là CLB không còn là môi trường đào luyện dành cho những ngôi sao sáng nhất như xưa nữa. Ferguson đã tạo ra một nghệ thuật trong việc đánh bóng những bản hợp đồng của mình. Liệu Cristiano Ronaldo có thể phát triển từ thần đồng Sporting Lisbon thành cầu thủ vĩ đại nhất thế giới trong tình trạng hiện tại của MU không?
Ten Hag có thể có khuynh hướng chuyên quyền giống như Ferguson, nhưng lại không có khả năng trau dồi tài năng của một cầu thủ như Sir Alex. Antony - người mà ông muốn ký hợp đồng nhất - là một nỗi kinh hoàng không thể nguôi ngoai. Và giờ, ông lại chủ trì việc ra đi sớm của Sancho.
Ngay cả những người đến với những bản lý lịch sáng chói, chẳng hạn như Casemiro và Raphael Varane, cũng đã tịt ngóm. Làm thế nào mà nhiều cầu thủ có thể chơi tồi đi trong cùng một khoảng thời gian ngắn như vậy? Nó cho thấy một điểm yếu về mặt thể chế mà Sir Jim Ratcliffe, trong vai trò phụ trách các hoạt động bóng đá, không nên lãng phí thời gian để điều tra. Vì MU giờ là mảnh đất chết của những tài năng.